Tôi học thư pháp – một hành trình sống

Tôi không đến với thư pháp như người ta tìm một môn nghệ thuật cao siêu.
Chỉ là một buổi chiều lớp 9, nhìn thấy một chữ đẹp trên tờ lịch cũ – chẳng biết ai viết, cũng chẳng rõ gọi tên là gì – nhưng lòng bỗng chao nghiêng.

Tôi bắt đầu chép theo bằng bút bi.
Những ngày sau đó, tôi viết tên bạn bè, đề bài giùm trong lớp, rồi tự tay làm những tấm thiệp nhỏ để tặng thầy cô dịp 20/11 năm lớp 11. Khi ấy chưa ai nói tôi biết đó là thư pháp, chỉ biết rằng trong những nét tôi viết, có điều gì đó thật gần gũi, thật vui.

Lên lớp 12, tôi lần đầu cầm cây cọ viết – thấy khác hẳn với bút bi – nhưng vẫn viết, vẫn vẽ, vẫn mang tranh chữ đi tặng như một niềm vui không tên.

Năm nhất đại học, tôi ngỏ ý muốn học chữ từ một người đi trước – nhưng không nhận được sự chỉ dạy. Tôi buồn. Nhưng cũng từ đó, tự hứa: Nếu một ngày mình viết được, sẽ không giấu điều gì. Ai hỏi – sẽ chỉ. Ai muốn học – sẽ bày.

Năm hai, tôi bắt đầu viết chữ để mưu sinh. Ngồi bên bờ Sông Hàn, cùng vài người bạn: người cắt giấy, người vẽ tranh, tôi viết chữ. Chữ khi ấy chưa đẹp, nhưng chân thành. Tôi viết để sống. Nhưng chính từ đó, tôi hiểu: chữ có thể nuôi thân – nếu giữ được cái hồn.

Năm 2012, tôi cùng vài anh em trẻ thành lập Hội Thư Pháp Trẻ Đà Nẵng. Ban đầu chỉ là cái tên, không ai làm chủ nhiệm, chỉ là kết nối những người yêu chữ với nhau. Về sau, tôi nhận vai trò đầu mối – không vì danh, mà vì muốn giữ một mái nhà chung cho những người đang tự học, tự viết.

Tháng 4 năm 2013, tôi gặp anh Hoa Nghiêm – người làm thay đổi cách tôi nhìn về thư pháp.
Từ mê chữ nhỏ, tôi chuyển sang tập chữ đại tự, luyện cọ mềm – rồi lặng lẽ rút tủy những gì mình học, mình viết.

Năm 2014, tôi cùng 8 anh em khác lên đường hành trình xuyên Việt – mỗi người một đam mê, cùng đem đam mê đó làm nghề, kiếm sống từng chặng đường để đi tiếp. Tôi mang theo cọ, mực, giấy – và viết.
Viết ở phố cổ, viết trong phiên chợ nhỏ, viết giữa những ngày gió bụi – không để nổi tiếng, mà để giao lưu và chạm vào những đam mê khác đang sống.

Cũng trong năm đó, tôi làm triển lãm đầu tiên mang tên Tôi 24.
Rồi những năm sau là Tôi 25 (2015), Tôi 27 (2017).
Mỗi triển lãm là một lát cắt hành trình, như một dấu ấn nhỏ ghi lại những năm tháng mình đã sống cùng chữ.

Năm 2017, tôi xin vào công tác tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng – bắt đầu một chặng viết khác: viết để tặng học trò, viết để truyền cảm hứng sống và học.
Tôi viết không nhiều – nhưng có mặt. Có những bạn sinh viên được tặng một chữ, và giữ nó suốt những năm tháng học tập.

Năm 2018, tôi bén duyên với một quán trà nhỏ mà người bạn để lại.
Và từ đó, có lẽ tôi bắt đầu thay đổi.
Tôi tiếp xúc với trà – bằng hữu – kinh Phật… và hiểu ra rằng, trước giờ mình viết để chơi, để bán, để trưng bày. Nhưng giờ đây, mình bắt đầu muốn viết để quán chiếu – để lắng lại – để sống sâu.
Chữ không còn là hình thức, mà là gương soi lại tâm mình.

Năm 2020, tôi mở lớp dạy chữ trực tiếp và cả online – còn ít người tham gia, vì chưa ai biết tới. Nhưng tôi vẫn kiên trì.

Năm 2021, đại dịch ập đến. Mọi thứ ngưng lại. Và cũng chính trong sự ngưng ấy, tôi bắt đầu dạy online nhiều hơn, không chỉ chữ – mà cả vẽ.
Nhờ có thời gian, tôi biên soạn và xuất bản nhiều bộ thẻ nhỏ, như:

  • Góp nhặt bình yên
  • Góp nhặt thơ thiền
  • Chánh niệm từng ngày
  • Truyền cảm hứng – động lực sống
    Những bộ thẻ ấy, với tôi, như những giọt trà – ủ ấm lòng người trong mùa giông gió.

Năm 2024, tôi gom lại hành trình đã qua, những kinh nghiệm, quan sát và chiêm nghiệm… để xuất bản cuốn sách đầu tay:

TÔI HỌC THƯ PHÁP
Không phải là đỉnh cao, không phải tuyên ngôn – chỉ là một cột mốc bình lặng để ghi lại những bước chân mình đã đi.

Năm 2025, tôi tiếp tục mở rộng nghiên cứu, học thêm những thể chữ mới – như người nông dân, đã gieo được mùa đầu, giờ thì đi tìm giống mới để gieo tiếp.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình “thành công” trong thư pháp.
Tôi chỉ nghĩ – mình đang sống cùng nó.
Viết để nhìn lại mình, viết để chia sẻ cho người khác, viết để mỗi nét đều là một bước tỉnh thức.

Và giờ đây, tôi không còn tự hỏi: “Viết làm gì?”, mà chỉ lặng lẽ nhủ:

Nếu còn một nét để viết,
tôi sẽ viết bằng hơi thở chánh niệm,
bằng lòng biết ơn,
và bằng sự im lặng sâu thẳm.

-Lão Trọc-

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *