Quan trọng không phải mình sở hữu những gì – mà là cách mình sử dụng nó ra sao!

 

Lúc trước, tôi cứ nghĩ thư pháp cơ bản là những thứ bình thường – dễ viết. Còn thư pháp nâng cao thì phải thật cầu kỳ, phải “bay bổng”, nét phải như múa, hoa lá hòe rối rắm, phải sáng tạo ra những kiểu chỉ riêng mình mới nghĩ được. Thậm chí còn nghĩ, viết thư pháp giỏi là phải biết thủ thuật hay bí quyết gì đó cao siêu để người khác không thể bắt chước.

Về sau mới hiểu: thư pháp nâng cao là nâng cao cái nhìn và cái hiểu của mình về con chữ.

Cũng là chữ “An” thôi. Lúc mới học thì chỉ quan tâm nét có đẹp không, có mượt không, chữ có nằm ngay ngắn, bố cục có chặt chẽ không. Rồi cố viết cho thật nhiều kiểu – để không giống người khác. Nhưng đến một ngày, tôi nhận ra:

Đã “an” thì viết thế nào cũng an.
Tâm an thì nét chữ sẽ tự nhiên an. Chữ là ghi nhận tâm tình của mình lúc ấy – nó mang tính thời điểm. Có khi mỗi ngày viết một chữ “An” khác nhau. Nhưng cũng có khi, mười năm vẫn viết một chữ như thế – mà vẫn là “An”.
Vì tâm đã an rồi thì ở đâu, lúc nào, viết gì cũng an.

Cuộc sống cũng vậy.
Trước đây tôi cứ nghĩ: sống hạnh phúc là phải thế này thế kia – nhà phải là của mình, thiết kế phải riêng, vị trí phải đẹp, gần cái này cái kia mới “chuẩn gu”. Cứ mãi mơ tưởng, loay hoay với điều kiện bên ngoài.

Về sau mới hiểu:

Không phải hoàn cảnh thế nào, mà là mình sống với nó ra sao.

Bởi ngoại cảnh luôn thay đổi. Không ai nắm chắc được chuyện đời sẽ xoay theo hướng nào. Nhưng tâm mình – chỉ có mình làm chủ.
Đó mới là chỗ để nương tựa lâu dài.

Cho nên –
Dù chữ viết chưa thật hoàn hảo, chưa thật đúng chuẩn, nhưng nếu nó là kết tinh của chiêm nghiệm và tâm tình, thì vẫn là chữ đáng quý. Ta vẫn thấy vui, thấy đủ.

Chữ đẹp chưa chắc tâm hồn đẹp.
Nhà sang trọng chưa hẳn sống tử tế.

-Lão Trọc


#laotroc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *