Sau bao năm cầm bút, viết hàng ngàn con chữ – Trọc mới dần nhận ra:
Cái gọi là “sáng tác” mà mình vẫn hay tự hào,
thực ra chỉ là một sự vay mượn tinh tế từ muôn ngàn dòng chảy vô hình.
Ý tưởng đến với ta như một vị khách giỏi hóa trang –
khiến ta tưởng rằng đó là kết quả của riêng mình,
nhưng nếu nhìn kỹ, thật kỹ –
ta sẽ thấy phía sau nó là bao lớp trầm tích của tri thức,
trải dài qua bao thế hệ,
ẩn sâu trong tiềm thức cộng đồng và trong chính tâm linh của nhân loại.
Một người anh trong nghề từng nói:
“Trong nghệ thuật, chẳng có gì thực sự là sáng tạo.”
Câu đó, lúc đầu nghe có phần cực đoan. Nhưng giờ đây, Trọc hiểu:
Không phải là không có sáng tạo,
mà là: cái ta “tạo ra” vốn dĩ đã nằm trong “toàn thể” từ lâu –
và khi đủ duyên, nó chỉ chọn mình làm kẻ “tác hiện”.
Vậy nên, Michelangelo mới nói:
“Chỉ có Chúa Trời sáng tạo.
Chúng ta, tất cả những kẻ còn lại, chỉ sao chép.”
Sao chép – không phải là bắt chước tầm thường,
mà là sự tiếp nối của dòng chảy sáng tạo lớn hơn chính bản thân mình.
Khi hiểu như vậy rồi,
ta còn cần xù lông nhím lên khi thấy ai đó làm điều gì đó giống mình nữa không?
Hãy học cách “tác” ra điều mà sâu trong bạn đã và đang “tạo”.
Và hãy mỉm cười khi thấy ai đó tiếp tục “tạo” và “tác” trên nền chất liệu bạn từng góp một chút vào.
Bởi vì, sau cùng – sáng tạo chân chính không thuộc về ai cả,
mà thuộc về dòng chảy đang đi xuyên qua tất cả chúng ta.
– Lão Trọc