1. Chữ là bạn, không phải bài thi
Dạy trẻ viết thư pháp, đừng bắt chúng phải giống người lớn.
Cứ để chúng nghịch bút, tò mò, vẽ nét này nét kia –
rồi một ngày, chữ sẽ từ từ bước vào tim các em, như một người bạn không cần giới thiệu.
2. Gieo mầm – đừng đòi quả sớm
Trẻ chưa cần hiểu hết cái đẹp – chỉ cần cảm được niềm vui khi cầm bút.
Đó là hạt giống.
Tưới bằng lời khen chân thành, ánh mắt hiền và một chút kiên nhẫn,
rồi mầm chữ sẽ lớn theo năm tháng.
3. Viết để chơi – nhưng vẫn giữ lễ
Cho các em tự do – nhưng đừng buông lỏng.
Chữ dạy sự ngay ngắn, dạy cách ngồi, cách thở, cách lắng nghe…
Thư pháp có thể là trò chơi,
nhưng là trò chơi có gốc rễ từ đạo làm người.
4. Không cần ép – chỉ cần ươm
Chữ đẹp sẽ đến sau.
Trước hết hãy để ánh mắt các em sáng lên mỗi lần thấy trang giấy trắng.
Viết xấu cũng được – miễn là các em thấy vui, thấy tự hào vì chính mình đã làm ra điều gì đó.
5. Trẻ con cũng có cái đẹp riêng
Đừng sửa nét bút non nớt bằng cái đẹp của người lớn.
Hãy nhìn nó như một bông hoa vừa nở – chưa cân đối, nhưng tràn đầy sức sống.
Hồn nhiên là vẻ đẹp mà thư pháp người lớn đôi khi đánh mất.
-Lão Trọc-